VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC - CỰU THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN ABE SHINZO VÀ VAI TRÒ TRONG MỐI QUAN HỆ VIỆT - NHẬT
Vào sáng ngày 8-7, cựu thủ tướng Nhật Abe Shinzo bị một người đàn ông tấn công từ phía sau khi đang vận động cho ông Kentaro Asah, 46 tuổi, thành viên đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền trước cuộc bầu cửa thượng viện diễn ra ngày 10-7 ở gần nhà ga Yamatosaidaiji của TP Nara, miền tây nước này lúc 11h30.
Trước đó, đài NHK đưa tin ông Abe dường như trong tình trạng "ngừng hô hấp" khi được đưa đến bệnh viện dù ban đầu còn tỉnh táo. Các y bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng cựu thủ tướng đã không qua khỏi và qua đời tại phòng ICU lúc 17h03p theo giờ địa phương, hưởng thọ 67 tuổi.
Cũng theo đài NHK, kẻ bắn ông Abe là cựu thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) Tetsuya Yamagami, 41 tuổi và đã bị bắt ngay tại hiện trường cùng với một khẩu súng tự chế.
CỰU THỦ TƯỚNG ABE SHINZO - CHÍNH TRỊ GIA ĐỘT PHÁ VỚI SỰ NGHIỆP NHIỀU DI SẢN NỔI BẬT
Ông Abe là một chính khách lớn, một thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản - chứng tỏ được sự ủng hộ lớn của dân chúng và giới chính trị Nhật Bản. Ông là người có khát vọng lớn lao khôi phục sự phồn vinh, uy tín và vai trò của Nhật, và ông đã làm được khá nhiều việc cho nước Nhật. Đồng thời, ông cũng là người bạn lớn của Việt Nam. Hãy cùng nhìn lại cuộc đời chính trị với nhiều dấu ấn nổi bật của ông.
I. TIỂU SỬ
Ngày sinh: 21/9/1954
Học vấn: Tốt nghiệp Đại học Seiki, Cử nhân Khoa học Chính trị năm 1977. Ông cũng học tại Đại học South California, Mỹ
Được bầu làm thành viên Hạ viện Nhật Bản 7 lần.
Ông Abe lần đầu trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006 và từ chức một năm sau đó vì lý do sức khỏe. Ông quay lại làm Thủ tướng Nhật Bản thêm một nhiệm kỳ vào ngày 26/12/2012. Tính tới ngày 24/8/2020, ông Abe lập kỷ lục với số ngày tại vị Thủ tướng liên tiếp lâu nhất trong lịch sử nước này, cụ thể là 2.799 ngày.
II. DI SẢN ĐỂ LẠI
Khi ông Abe được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2012, Nhật Bản đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế sau nhiều thập kỷ trì trệ. Ông đã sớm đưa ra một thử nghiệm lớn thường được gọi là "Abenomics", bao gồm ba ưu tiên chính kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và tái cơ cấu nền kinh tế,mà các đồng minh của ông cho là đã phục hồi nền kinh tế đất nước và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Nhật Bản dưới thời ông Abe đã nới lỏng các quy định nhập cư đối với lao động nước ngoài, điều này đã thúc đẩy lực lượng lao động. Ông Abe đề cao sự cần thiết phải cải cách phong cách làm việc, chỉ trích việc không ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực là nữ giới và cam kết thu hẹp khoảng cách trong lực lượng lao động bằng "Womenomics".
Về mặt ngoại giao, ông đã vun đắp mối quan hệ bền chặt với Washington, đồng minh truyền thống của Tokyo. Khả năng vun đắp mối quan hệ cá nhân với ông Trump thường được cho là một trong những lý do lớn nhất khiến Nhật Bản có thể tránh được một cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Cuối cùng, không thể không nhắc tới việc ông Abe đã thành công giúp Nhật Bản đăng cai Thế vận hội 2020.
III. VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG MỐI QUAN HỆ VIỆT - NHẬT
Từ thời ông Abe làm Thủ tướng, hai nước đã khởi sự xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, từ năm 2006. Sau này cũng chính thời ông Abe, vào năm 2014, hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược sâu rộng và quan hệ đang ở trạng thái tốt đẹp nhất: Tin cậy, hợp tác sâu rộng, toàn diện và hiệu quả.
Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng vào tháng 5-2016. Tháng 5-2016, lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Đến nay, Nhật Bản nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn cho Việt Nam.
Trong thời gian giữ cương vị thủ tướng Nhật Bản, ông đã 2 lần chính thức đến thăm Việt Nam vào năm 2013 và 2017, ngoài ra còn có 2 lần đến Việt Nam tham dự Hội nghị APEC 2006 và 2017. Các chuyến thăm chính thức Việt Nam của thủ tướng Shinzo Abe đã đánh dấu những giai đoạn phát triển mới trong quan hệ 2 nước, khẳng định Việt Nam - Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài.
Theo Nguyên Thứ trưởng ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng, ông Abe có quan hệ tốt và rất đặc biệt với tất cả các vị lãnh đạo Việt Nam từ 2006, nhất là từ năm 2012 đến nay. Đó là nền tảng vững chắc cho quan hệ hiện nay của hai nước.
Điều mà những người dân sang Nhật học tập và làm việc nhớ nhất ở thủ tướng Abe có lẽ là khoản hỗ trợ 100.000 Yên (khoảng 20 triệu VNĐ) cho tất cả mọi người bất kể quốc tịch, độ tuổi. Nếu không phải là bác Abe thì khó có vị thủ tướng Nhật Bản nào khác sẽ hào phóng như vậy.
Một chính trị gia tài năng được cả thế giới biết đến và công nhận. Hôm nay, người đàn ông ấy đã ra đi và để lại vô vàn tiếc nuối cho người ở lại....
Thương tiếc!!!
Tổng hợp: NLĐ, VTV, NHK, via 24h